Tín ngưỡng là một phần của văn hóa người Việt, bàn về vấn đề này e rằng sẽ khó thể thấu đáo hết vẻ đẹp tâm linh của dân tộc ta. Hai tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam là Phật giáo và Thiên chúa giáo, mỗi tín ngưỡng đều có vẻ đẹp riêng của mình, đều răn dạy con người những điều hay lẽ phải. Đặc biệt hơn cả chính niềm tin vào tôn giáo sẽ là chỗ dựa cho con người khi vấp ngã hoặc có những khó khăn trở ngại trên đường đời…
Đi chùa lễ phật dường như là một việc hiển nhiên với những người theo đạo Phật. Tôi ngay từ nhỏ đã thường được đi chùa cùng bà nội. Trong kí ức tôi, vào thời khắc giao thừa, dường như đó là thời khắc quan trọng nhất trong sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, bà tôi lại dẫn con cháu đi chùa xin lộc đầu năm. Lộc có thể là một nụ hoa, một đọt lá nhưng chứa đựng trong đó là cả ước vọng về một năm mới bình an nên bà thường đặt lên bàn thờ gia tiên để thắp nhang lễ Phật. Sáng ngày mùng 1 tết, bà lại cùng đại gia đình chú bác họ hàng lên chùa lễ Phật đầu năm. Tuổi thơ của tôi với những ngày tết đến thật ý nghĩa. Bố mẹ tôi từ thông tục của gia đình, sáng mùng một năm nào cũng đến chùa thắp nén nhang cầu nguyện gia đạo bình an. Và như một cơ duyên với đạo Phật, sau này khi lớn lên những cô bạn gái thân nhất của tôi cũng theo đạo Phật. Chúng tôi vẫn hay đi chùa với nhau trong những ngày lễ Tết, lễ Phật Đản…
Ăn chay là truyền thống của những người theo đạo Phật, khi ăn chay, tâm hồn phải thật thanh tịnh. Khi đã ăn quen cơm chay, tôi không còn thấy sự hấp dẫn của những món ăn mặn nữa. Tôi không có nhiều dịp để thử tài nấu món chay, hiếm hoi lắm là vào ngày giỗ bà nội, bố tôi mới nhắc tôi nấu món chay để cúng. Ngày thường tôi hay ăn món bún ở cơm chay Thuyền Viên, cảm giác ăn món cơm chay cũng hấp dẫn lạ thường. Những ngày tôi theo khóa tu Phật thất 7 ngày ở chùa Hoằng Pháp để lại nhiều dư vị lạ, cả đạo tràng cùng dùng cơm trong trai đường rất yên lặng và đầy tôn kính, lắng nghe lời tụng niệm và bữa cơm chay rất ngon lành đối với tôi. Ăn chay thành công là khi trước mắt bạn đầy những món ngon hấp dẫn nhưng bạn không cảm thấy thèm thuồng, tôi đã làm được điều này. Trước cổng chùa Hoằng Pháp bán bánh bao chay ngon tuyệt, tôi thấy tuyệt vời khi được ăn một cái bánh bao chay, một trái bắp luộc và thêm một ly cà phê sữa đá. Cuộc đời không còn gì đáng thưởng thức hơn như thế.
Những người đi chùa thường xuyên ít nhiều sẽ biết tụng niệm, tụng kinh thường xuyên tôi nghĩ sẽ có thể chữa lành những vết thương tâm hồn. Tôi thường đi chùa và cũng có tụng kinh theo nhưng chỉ như học trò thôi. Ở nhà tôi thường niệm chú đại bi như một lời cầu mong gia đạo bình an. Những lời kinh kệ có tác dụng làm con người tỉnh giấc cơn mê trầm luân, và lòng người được thanh thóat hơn.
Tôi thường nghe đến hai từ “làm phước” từ những Phật tử. Làm phước là bố thí, là cúng dường, là chia sẻ với những người khó khăn hơn mình, là giúp đỡ đồng lọai…Nhờ làm phước mà cái oan nghiệt của con người giảm nhẹ hơn…Tất cả những suy nghĩ trên là của tôi, mạn đàm một chút về đạo Phật quả như múa riều qua mắt thợ.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về đạo Phật, tâm hồn bạn phải thật sự tĩnh tâm, trong sáng như nước mùa thu. Vậy thì điều tôi có thể khuyên mọi người là hãy đến chùa thường xuyên, nơi chốn an lành này sẽ giúp bạn dần rũ bỏ những tạp niệm tham sân si. Những ngày ở chùa Hoằng Pháp an lành đã giúp tôi ngộ ra điều này… Nam mô a di đà Phật.